Nhiều cây thông cổ thụ 5 lá thuộc nhóm gỗ quý trong rừng sâu ở xã Hà Đông, H.Đak Đoa (Gia Lai) đã bị 'lâm tặc' đốn hạ, vận chuyển trái phép. Khi ngành chức năng phát hiện thì "việc… đã rồi!".
Đại công trường của lâm tặc nằm sâu trong rừng
Sáng 29.4, chúng tôi vượt quãng đường gần 70 km mới đến được hiện trường của vụ phá rừng thuộc địa phận xã Hà Đông, H.Đak Đoa. Theo quan sát của chúng tôi, số cây thông cổ thụ này có đường kính khá lớn. Nhiều cây có đường kính lên đến hơn 90 cm, cao gần 10 m đã bị lâm tặc đốn hạ trái phép. Một số cây đã bị xẻ ra thành hộp, tấm vận chuyển ra bên ngoài.
Khu vực những cây thông bị chặt hạ nằm cách đường chính khoảng 7 km, nằm sâu trong rừng. Tại hiện trường còn sót lại là những cành nhánh cây rừng nằm vương vãi, một số tấm ván và những thân cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm trơ gốc. Một số cây thông phải đến hai người ôm mới xuể đã bị lâm tặc cưa hạ.
Số cây rừng bị phá gồm thông 5 lá, chò xót, dẻ trắng. Lâm tặc đã chọn những cây có đường kính lớn, gỗ đẹp để chặt hạ, vận chuyển trái phép.
Quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy nhiều dấu gỗ được kéo hằn in trên đường. Điều này chứng tỏ việc chặt hạ, vận chuyển được bố trí rất chặt chẽ và có kế hoạch.
Được biết, cây gỗ bị cưa hạ trái phép thuộc hai 2 tiểu khu 406 và 408 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, địa phận xã Hà Đông, H.Đak Đoa. Chúng tôi vào sâu trong rừng và chứng kiến thêm nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Thân cây có đường kính từ 40 - 90 cm. Gỗ đã bị tẩu tán, chỉ còn trơ gốc, cành nhánh. Dấu vết đốn hạ, vận chuyển đang hằn in trên nền đất rừng.
Tuần tra sơ sót nên không phát hiện phá rừng?
Ngày 29.4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, nói: “Một số người dân bản địa lợi dụng địa hình khó khăn, lực lượng mỏng đã cắt trộm 41 cây gỗ thông 5 lá và gỗ tạp tại các tiểu khu 406 và 408. Trong thời gian qua, anh em trong ban thường xuyên tuần tra nhưng cũng có sơ sót nên đã xảy ra vụ việc vừa rồi (!?)”.
Cũng trong chiều 29.4, trao đổi với PV Thanh Niên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Đak Đoa, ông Nguyễn Văn Sơn, cho biết: “Ngày 26.3, chúng tôi nhận thông tin tại xã Hà Đông xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép và đã tổ chức kiểm tra nhưng vì đi khác hướng nên chỉ có phát hiện 3 gốc bị cưa hạ trái phép. Tiếp đó, chúng tôi tiếp tục cử lực lượng kiểm tra và phát hiện tại hai tiểu khu là 406 và 408 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa có 41 cây gỗ gồm 37 cây thông 5 lá, 3 cây chò xót và 1 cây dẻ trắng bị khai thác trái phép".
"Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên vụ việc này và đang phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê số lượng gỗ khai thác trái phép, truy tìm đối tượng liên quan vụ việc. Qua xác minh ban đầu, các đối tượng khai thác trái phép gỗ trú ở TT.Đak Đoa và 3 xã của huyện này là Hải Yang, Hà Đông, Đak Sơmei. Chúng tôi cũng có những nghi ngờ có lực lượng tiếp tay nhưng để xác định có hay không thì chờ kết luận của cơ quan điều tra. Đối với gỗ thông 5 lá mọc nhiều ở Đak Đoa, chúng tôi sẽ gửi đi giám định xem thuộc nhóm gì. Nếu là xác định được đây là cây thông 5 lá Đà Lạt thì đó là nhóm 2A - nhóm gỗ quý hiếm”, ông Sơn cho biết thêm.
Cùng ngày, bà Giang H’Đan, Phó Chủ tịch UBND H.Đak Đoa, cho biết: “Huyện đã có báo cáo cho UBND tỉnh Gia Lai; có văn bản gửi Sở NN-PTNT Gia Lai yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với ban quản lý để mất rừng; chỉ đạo lực lượng công an, Hạt Kiểm lâm phối hợp với đơn vị chủ rừng tổ chức khám nghiệm hiện trường, nếu đủ dấu hiệu thì khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Liên quan đến vụ việc, ngày 28.4, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng khẩn trương điều tra, truy tìm nghi can khai thác gỗ trái phép. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị liên quan đã để xảy ra vụ khai thác rừng trái phép trên địa bàn được giao quản lý và tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn chặn l phát hiện các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn H.Đak Đoa.
Đăng nhận xét